Kháng án và phúc thẩm Vụ án Cù Huy Hà Vũ

LS Nguyễn Thị Dương Hà cho biết "chắc chắn chúng tôi sẽ kháng án".[72] Luật sư cho biết Cù Huy Hà Vũ đã gửi đơn kháng cáo từ trong tù trong đúng thời hạn 15 ngày sau sơ thẩm.[95]

Theo bà Dương Hà, sức khỏe của Cù Huy Hà Vũ hiện rất xấu, "10 đầu ngón tay bị thâm tím mà không biết là do nguyên nhân gì." Bà luật sư cho biết ông Vũ là tù nhân chính trị nhưng lại đang bị giam cùng một tù hình sự tên Nguyễn Đức Tuấn, người "có 4 tiền án về tội đánh người", và thường xuyên bị ông này hù dọa và cướp đoạt thuốc chữa bệnh.[96]

Phiên tòa xử phúc thẩm Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ diễn ra vào ngày 2 tháng 8 năm 2011 tại Hà Nội.[97][98]

Tuyên bố của Cù Huy Hà Vũ trước phiên xử phúc thẩm

Trong một bức thư gửi "đồng bào" trước phiên xử phúc thẩm, Cù Huy Hà Vũ gọi vụ bắt giữ mình là "cuộc bắt bớ xấu xa dựa trên cái cớ là hai bao cao su đã qua sử dụng", và chỉ trích phiên tòa sơ thẩm ngày 4 tháng 4 năm 2011 là vội vàng, hấp tấp, "không dám trưng ra các chứng cứ phạm tội cũng chẳng dám tranh tụng với các luật sư", vội vã tuyên án...[99]

Ông Vũ nói bản chất vụ án là cuộc đối đầu chính trị giữa 2 bên, một bên là Đảng Cộng sản Việt Nam mà ông cho là "chậm trễ như thể cố tình cưỡng lại việc thực hiện một Nhà nước Việt Nam pháp quyền", và bên kia là "Cù Huy Hà Vũ như một tiếng nói đại diện cho tất cả những tiếng nói đòi xây dựng Nhà nước Việt Nam pháp quyền."[99]

Cù Huy Hà Vũ vẫn khẳng định mình "không có tội, song cũng biết chấp nhận hy sinh", và những điều ông đã làm là "không vụ lợi, không hề vì động cơ riêng tư", còn đề nghị Đa đảng cho nền chính trị Việt Nam thực chất là nhằm "cứu nguy Đảng Cộng sản trước nguy cơ bị cô lập trong con mắt toàn dân."[99]

Từ trong tù, tiến sĩ Hà Vũ nói điều làm ông lo lắng và đau lòng nhất là lo cho đất nước Việt Nam rơi vào tay "bọn đại giảo hoạt Bắc Kinh". Ông Vũ khẳng định mình "một dạ vì dân vì nước":

Chẳng nhẽ Hà Vũ này chống lại mẹ, cha, anh, chị em mình sao? Chẳng nhẽ Hà Vũ này chống lại những người nông dân mất đất vào tay bọn người hoa mắt vì tiền? Chẳng nhẽ Hà Vũ này chống lại những người trí thức mất tự do trước "quyền lực bằng mọi giá" ?[99]

— Cù Huy Hà Vũ

Dư luận trước phiên tòa phúc thẩm

Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà nói sức khỏe của Tiến sĩ Hà Vũ "hơi kém một chút", nhưng tinh thần thì "luôn vững vàng". Bà luật sư hy vọng chồng mình được trắng án, "nếu pháp luật Việt Nam còn được thực thi, còn có giá trị".[100]

Nhà thơ Bằng Việt cho rằng "nếu không tha bổng cho Cù Huy Hà Vũ thì đấy là một sự ngu xuẩn".[101] Nhà thơ Bùi Minh Quốc thì cho rằng xử Cù Huy Hà Vũ là "tự ký vào bản án phản bội nhân dân, phản bội Tổ Quốc, phản bội cách mạng..."[101]

Diễn biến phiên tòa phúc thẩm

Biện hộ cho ông Vũ có 4 luật sư là các ông bà Trần Quốc Thuận, Trần Đình Triển, Trần Vũ HảiVương Thị Thanh.[100] Theo gia đình thì tất cả các luật sư đều bào chữa hoàn toàn miễn phí và tự nguyện bởi họ thấy sự việc là "oan trái", và sẵn sàng giúp đỡ để "minh oan".[100]

Tương tự như phiên xử sơ thẩm, 1 hàng rào an ninh được công an dựng lên xung quanh tòa án để ngăn cản không cho người ngoài vào bên trong.[102] Giáo sư Nguyễn Huệ Chi đến dự phiên tòa bị công an ngăn cản và xô đẩy, có người được cho là đã bị đánh và bị bắt đem đi.[103] Còn phóng viên chỉ được theo dõi phiên tòa qua màn hình TV từ phòng kế bên.[104]

Theo RFA, ngay cả em gái của Cù Huy Hà Vũ là Cù Thị Xuân Bích cũng không được cho vào dự phiên tòa.[105] Đứng bên ngoài, bà Xuân Bích nói: "Tôi là Cù thị Xuân Bích, con gái nhà thơ Cù Huy Cận, người đã tiếp ký với chủ tịch Hồ Chí Minh Bản tuyên ngôn thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa; hôm nay xử anh trai tôi là Cù Huy Hà Vũ, một người yêu nước, mà không được vào phải đứng ngoài đường đây!"[105]

Viện Kiểm sát vẫn đề nghị giữ nguyên mức án đối với ông Cù Huy Hà Vũ.[104]

Tuyên bố của ông Vũ trong phiên phúc thẩm

Cù Huy Hà Vũ nói ông không chống Đảng cộng sản, nhưng ủng hộ một hệ thống đa đảng vì lợi ích của nước Việt Nam.[104] Ông nói cha mình, cố bộ trưởng Cù Huy Cận, là một trong những người đã khai sinh ra chế độ hiện đang xử án ông hôm nay.[104] Ông Vũ vài lần quay xuống phía người thân, và làm dấu hiện chữ "V" với cả hai tay.[104]

Tôi không chống đối Đảng cộng sản Việt Nam, tôi chỉ yêu cầu xây dựng một hệ thống đa đảng cho phép cạnh tranh lành mạnh vì lợi ích cuối cùng của nhân dân và đất nước. [...] Bốn thế hệ trong gia đình tôi đã chiến đấu và hy sinh vì đất nước này. Tôi quyết tâm chiến đấu và hy sinh cho đất nước.

Cù Huy Hà Vũ, nói trong phiên tòa phúc thẩm.[104]

Tuy nhiên, công tố viên nói những hành động của ông Vũ đã "xâm phạm an ninh quốc gia", "chống phá Nhà nước" và "lạm dụng quyền tự do báo chíngôn luận".[104]

Hãng tin AFP, dù không được tham dự phiên tòa, dẫn lời một nhà báo nước ngoài xem phiên xử qua truyền hình trong phòng bên cạnh, nói rằng ông Cù Huy Hà Vũ tại tòa cáo buộc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đứng đằng sau vụ bắt và xử ông vì những vụ kiện làm mất mặt thủ tướng.[106]

Mục đích của tôi là bảo vệ lợi ích của đất nước tôi... Tôi sẵn sàng ngồi tù!

Cù Huy Hà Vũ[106]

BBC bình luận rằng Nhà nước cộng sản Việt Nam không khoan thứ bất cứ sự thách thức nào đối với chế độ đảng trị và họ đang đàn áp một gia đình mà ở Việt Nam ai cũng biết là trung thành với chế độ.[104]

Tranh tụng

Các luật sư cho biết họ bị tòa đe dọa đủ thứ, như bị cảnh cáo đuổi ra ngoài, mời cảnh sát tư pháp... và nói rằng họ đã "rất nhịn nhục" để có thể nói được một số ý kiến họ muốn nói, nhưng các vấn đề luật sư đưa ra đều bị gạt hết, không được chấp nhận.[107] Luật sư Vương Thị Thanh còn nhiều lần bị Chủ tọa phiên tòa gọi là "bị cáo", theo lời luật sư Triển.[108]

TS Cù Huy Hà Vũ yêu cầu thay đổi toàn bộ Hội đồng xét xử vì những người này đều là đảng viên Đảng Cộng sản nên sẽ không vô tư đối với những cáo buộc của công tố viên, vốn cũng là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, tuy nhiên tòa không thoả mãn yêu cầu này của ông Vũ.[107]

Các luật sư cũng đề nghị triệu tập Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trả lời về những bức thư mà tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ gửi cho Quốc hội trước đây, Chủ tịch nước với tư cách là bên bị hại theo như cáo buộc tội danh chống phá nhà nước, và Đài VOA cùng bà Trâm Oanh vì bị cáo đã trả lời phỏng vấn 2 nơi này, nhưng tất cả các đề nghị đều không được chấp nhận.[107]

Theo lời luật sư Trần Đình Triển, ông đã lập luận rằng việc bị cáo gửi thư cho Quốc hội đề nghị thả các tù binh của Việt Nam Cộng Hòa còn bị giam giữ từ năm 1975 đến nay chỉ là mang tính "nhân đạo", muốn "hòa giải dân tộc" chứ không chống nhà nước, thì phía Kiểm Sát phán một câu: "Viện Kiểm sát không tranh tụng nữa, mà giữ nguyên lời buộc tội của mình."[108]

Tương tự, luật sư cũng nói không chỉ riêng bị cáo mà nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhà khoa học, đại biểu Quốc hội cũng đã nói cần phải sửa đổi cơ bản Hiến pháp 1992, nên không thể kết tội mình bị cáo chống nhà nước. Luật sư cho rằng Viện Kiểm Sát chỉ "cả vú lấp miệng em", khi đi vào các chi tiết, hành vi cụ thể thì "họ không chứng minh được".[108]

Viện Kiểm Sát nói luật pháp Việt Nam không yêu cầu chứng minh thiệt hại cụ thể do hành vi của bị cáo gây nên, mà chỉ cần sở hữu và tàng trữ những tài liệu chống nhà nước là đã đủ để "cấu thành tội phạm", và chỉ riêng việc ông Vũ kêu gọi đa nguyên đa đảng đã là phạm tội quá rõ ràng rồi.[109][110]

BBC bình luận rằng kiểm sát viên của Việt Nam "đọc" một loạt những "tội" của ông Vũ theo kiểu "trả bài".[110]

Án phúc thẩm

Tòa phúc thẩm giữ nguyên bản án bảy năm tù giam và ba năm quản chế đối với ông Cù Huy Hà Vũ vì tội tuyên truyền chống nhà nước.[104]

Kết quả phiên xử phúc thẩm ngay lập tức đã được phát trên truyền hình và báo chí chính thống tại Việt Nam.[104]

Phản ứng và dư luận

Ngay sau phiên tòa phúc thẩm, Chính phủ Hoa Kỳ lại lên tiếng kêu gọi trả tự do "ngay lập tức" cho tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ:

Chúng tôi rất lo ngại về việc kháng cáo của ông Cù Huy Hà Vũ đã bị tòa bác". Chúng tôi tiếp tục kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho ông Vũ, cũng như cho các tù nhân lương tâm khác, và tin rằng các cá nhân không thể bị bắt giữ chỉ vì thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình.

Quan hệ song phương của Mỹ và Việt Nam nói chung khá tốt đẹp nhưng chúng tôi có các quan ngại to lớn về các vấn đề liên quan tới nhân quyền và chúng tôi sẽ tiếp tục gây áp lực trong lĩnh vực này.[111]

— Mark Toner, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ

Tối ngày 4 tháng 8 năm 2011, hai ngày sau phiên xử phúc thẩm, Đài truyền hình Việt Nam đã phát sóng trong chương trình thời sự một phóng sự dài 15 phút mang tên "Sự thật về hành vi vi phạm của Cù Huy Hà Vũ", khẳng định phiên tòa là công bằng và khách quan, đúng người đúng tội, và được đông đảo quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ.[109] VTV cũng trích dẫn một vài người sống ở phường Điện Biên nói ông Vũ là một kẻ "thiếu văn hoá" và "thằng cha hung hăng và láo lếu". Chủ tịch UBND phường Điện Biên Trần Mạnh Quân khẳng định rằng ông Cù Huy Cận lúc còn sống từng nói với phường nhiều lần là "Tôi sinh ra thằng con bất trung, bất nghĩa và bất hiếu"![109][112] Ngoài ra, phóng sự còn nhiều lần nhắc đến các "thế lực thù địch" và "bọn phản động" trong và ngoài nước đang cố tình "xuyên tạc", "tuyên truyền chống phá" rằng Cù Huy Hà Vũ không có tội.[109]

Tác giả Quý Thanh của báo Công an Nhân dân, người trước đó từng có bài phê bình giáo sư Ngô Bảo Châu và đả kích tiến sĩ Hà Vũ tiếp tục có bài viết "Cù Huy Hà Vũ và chiêu bài nhân cách". Tác giả gọi ông Vũ là kẻ "phản bội những tín điều thiêng liêng, phản bội gia đình, phản bội lại học thức, phản bội đất nước, dân tộc", hay kẻ "tính toán cá nhân", và cung cấp "sự thật" về nhân vật này. Bài viết dẫn ra nhiều vụ việc nổi tiếng của ông Vũ, cũng như những sự việc cá nhân, nhưng bỏ qua việc kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng;[112] và cáo buộc một vài người đang sử dụng "chiêu bài nhân cách" cho một kẻ "tầm thường nhỏ mọn" hòng mưu đồ quyền lực.

BBC bình luận rằng tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đang bị Việt Nam sử dụng lực lượng công an, kiểm sát, tòa án và truyền thông "tấn công", dù ông chưa bao giờ kêu gọi có hành động bạo lực đối với chính quyền,[110] và các sự vụ mang tính cá nhân của ông Vũ đang bị mang ra "mổ xẻ".[112] Trả lời BBC, em gái của ông Vũ nói bà "không quan tâm" truyền thông trong nước nói gì, vì theo bà Cù Thị Xuân Bích thì họ phản ánh "không đúng sự thật" về anh ruột của bà.[113] Đài này cũng dẫn lời một số phản ứng trên mạng Internet về phóng sự "Sự thật về hành vi vi phạm của Cù Huy Hà Vũ" của Đài Truyền hình Việt Nam: "Liệu có tin được phóng sự về vấn đề đang gây xôn xao dư luận, do một phía làm ra và chỉ có những nhân vật ở phía đó nói. Phải chăng sự thật thuộc về kẻ mạnh?"[114]

Tiến sĩ Địa - Vật lý Nguyễn Thanh Giang cho rằng Đảng Cộng sản và chính phủ "thà để mất tiếng thơm đất nước" chứ không để bị xem là "thua" một anh tiến sĩ hay một gia đình công thần cách mạng, và vì Đảng "độc quyền, độc đoán" nên "không thể vượt qua được chính mình". Ông Giang cho rằng lẽ ra không nên bắt Cù Huy Hà Vũ, nhất là "bắt trong hoàn cảnh rất bẩn thỉu".[115] Về cáo buộc rằng vụ án là cuộc trả thù của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang nói "Tôi không nghĩ vậy. Một người đã lên đến Thủ tướng, cũng biết danh dự của mình, kiềm chế ở mức nhất định chứ đâu đến nỗi tiểu nhân quá như vậy."[115]

Phil Robertson, Phó Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói ông không ngạc nhiên với bản án phúc thẩm, và cho rằng tòa án dùng vụ án Cù Huy Hà Vũ để răn đe những người bất đồng chính kiến khác.[116]

Tiếp sau Hoa Kỳ, Cao ủy đối ngoại của Liên hiệp châu Âu EU cũng tiếp tục lên tiếng chỉ trích Việt Nam. Bà Catherine Ashton, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu về ngoại giao và an ninh, nói bà "quan ngại sâu sắc" về việc tòa án đã bác kháng cáo của ông Vũ, và "đặc biệt thất vọng" khi chính quyền Hà Nội không thực thi quyền căn bản của công dân: "quyền có ý kiến và tự do thể hiện các ý kiến của họ một cách hòa bình".[110][117][118]

Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu Niên của Quốc hội cho rằng vụ án "vi phạm rất nhiều trình tự thủ tục tố tụng từ đầu đến cuối". Các phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm không có tranh tụng. Ông cũng không đồng tình với cách "bới móc đời từ" của ông Vũ mà VTV1 đã làm.[119]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Vụ án Cù Huy Hà Vũ http://www.radioaustralia.net.au/asiapac/stories/2... http://blogs.afp.com/?author/itimberlake http://www.bbc.com/vietnamese/mobile/vietnam/2010/... http://breakingnewsdir.com/vietnamese-police-detai... http://www.eubusiness.com/news-eu/vietnam-politics... http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a... http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/de... http://seattletimes.nwsource.com/html/nationworld/... http://www.voanews.com/vietnamese/blogs/tin/phien-... http://www.voanews.com/vietnamese/news/carl-thayer...